Giàu có

Điểm qua những thói quen thường thấy chứng tỏ bạn sẽ giàu có

Posted on

Nếu bạn có được những thói quen này thì bạn sẽ có một sự nghiệp thành công và trở nên giàu có.

Thường xuyên đặt ra mục tiêu.

Người thành đạt luôn hành động vì mục tiêu. Họ liên tục đặt ra mục tiêu và lên sẵn kế hoạch cho một ngày làm việc. Người thành đạt là những người biết nhìn xa trông rộng. Họ có mục tiêu cho mỗi ngày, mỗi tuần, tháng, và năm.  Nhưng một mục tiêu sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không có kế hoạch để đạt được. Vì vậy, bên cạnh đặt ra mục tiêu, người thành công còn nỗ lực tìm cách thực hiện chúng và luôn có trách nhiệm với bản thân mình.

Có nếp sống điều độ.

Bạn sẽ đạt được sự cân bằng trong cuộc sống nếu biết sinh hoạt điều độ. Điều này có nghĩa là sắp xếp các hoạt động làm việc, ăn uống, tập thể dục, uống rượu, xem TV, lướt web… một cách khoa học. Như thế, mọi người sẽ thích kết giao với bạn. Khi họ đã thích bạn, bạn sẽ có nhiều cơ hội trong việc hợp tác kinh doanh để làm lợi cho công việc của mình.

Người giàu tích cực khai thác nguồn lực từ những cuốn sách để mài sắc trí óc và làm dịu tâm hồn của họ. (Ảnh minh họa).

Sống ở thì tương lai.

Những người có tài sản hoặc kiếm được nhiều tiền không phải là những người giỏi dự đoán tương lai; họ chỉ là những người bình thường giống như chúng ta. Điều họ làm khác với chúng ta hằng ngày là nỗ lực dự đoán các xu hướng trong tương lai.

Steve Jobs đã thực hiện thói quen này hằng ngày và thường được coi như nền tảng cho nhiều sản phẩm cách tân của Apple. Có vẻ như Steve biết rằng mọi người muốn gì trước cả khi họ biết điều đó. Đôi khi chính những sản phẩm đó chưa từng tồn tại. Khi làm giàu, hãy thực hiện hằng ngày thói quen dự đoán những thách thức có thể xuất hiện trong tương lai. Như Warren Buffett đã từng nói “Nếu ai đó đang được ngồi trong bóng mát hôm nay vì họ đã trồng cây từ rất lâu trước đó”.

Tập luyện hằng ngày.

Lý do phổ biến nhất cho việc không luyện tập là không có thời gian cho việc đó. Người giàu là những người có ít thời gian rảnh nhất. Nhưng họ là những người ít viện lý do đó nhất.

Đó là vì họ hiểu rằng sức khỏe của họ là vô giá.

Ăn uống lành mạnh.

Đây là thói quen đi kèm với việc luyện tập. Mua đủ thực phẩm sạch để có chế độ ăn cân bằng lành mạnh sẽ tiêu tốn của bạn nhiều hơn một chút so với một túi khoai tây chiên và một lon nước cola. Nhưng bí quyết đầu tiên để tận hưởng các khoản lợi nhuận từ các vụ đầu tư tài chính là đầu tư vào bản thân mình trước.

Bên cạnh đó, số tiền bạn phải trả cho các hóa đơn mua thuốc sẽ vượt xa số tiền bạn mua những đồ ăn lành mạnh.

Làm nhiều hơn những gì được yêu cầu.

Thay vì hoàn thành nhiệm vụ được giao, người thành công thường làm nhiều hơn như thế. Họ tình nguyện làm những việc không nằm trong nghĩa vụ của mình và từ đó nâng cao giá trị bản thân. Nếu là một doanh nhân, bạn sẽ không có sếp để quản lý và giao nhiệm vụ cho mình. Tuy nhiên, hãy làm việc hết sức và tận tâm để tạo ấn tượng với khách hàng.

Sống tiết kiệm.

“Nếu bạn mua những thứ mình không cần, bạn sẽ nhanh chóng phải bán những thứ bạn cần”.– Tỷ phú Warren Buffett nói.

Nói như vậy không có nghĩa là hầu hết người giàu đều sống trong những căn nhà nhỏ không điện nước và chỉ có mỗi một chiếc ghế, chỉ là họ không sống quá xa xỉ.

Khi tạo dựng sự giàu có, họ sẽ xây dựng những thói quen nhận biết cái gì là thiết yếu, cái gì là xa xỉ, và đó là thói quen gắn với họ. Họ có thể bắt đầu mua một vài thứ xa xỉ như một ngôi nhà đẹp hoặc một vài bộ quần áo hàng hiệu nhưng nó vẫn nằm trong phạm vi ngân sách của họ, và thường chỉ là một hoặc hai món không đáng kể. Sau cùng thì bạn không thể sống trong nhiều ngôi nhà và lái nhiều chiếc xe hơi một lúc.

Đọc hằng ngày để cải thiện bản thân.

Với nhiều cuốn sách kinh điển trên thế giới như hiện nay thì nếu chỉ đọc một cuốn sách một ngày, bạn sẽ không thể đọc được hết số sách đó. Qua những cuốn sách, chúng ta học được rất nhiều về lịch sử, nhân loại, lối sống và các nền văn hóa khác với chúng ta.

Phần lớn người nghèo nói rằng họ không thích đọc hoặc đơn giản là họ không có thời gian cho việc đó. Đây là một điều đáng buồn vì kho tàng kiến thức của nhân loại đã không được khai thác.

Người giàu tích cực khai thác nguồn lực này để mài sắc trí óc và làm dịu tâm hồn của họ. Và nếu họ không có thời gian đọc, họ sử dụng công nghệ hiện đại để nghe sách tiếng trong khi di chuyển. Thomas Corley từng nói rằng: “Người giàu tránh xem TV không phải vì họ có kỷ luật và sức mạnh ý chí siêu việt. Chỉ là họ không nghĩ tới việc xem TV vì họ bận theo đuổi thói quen đọc sách hằng ngày”.

Học thứ gì đó mới mẻ mỗi ngày.

Tiền được tạo ra nhờ tích cực gắn kết với thế giới và khao khát hiểu biết nó. Biết được điều này, người giàu nỗ lực học hoặc hiểu thêm một thứ mới mỗi ngày.

Bằng cách học và hiểu thế giới và cách mọi người làm, bạn sẽ có thể dự đoán các hành động/nhu cầu của họ và kiếm lời từ đó khi cơ hội mở ra.

Nói ít đi, lắng nghe nhiều hơn.

Bạn luôn học được điều gì đó khi lắng nghe người khác. Đó là lý do vì sao con người có hai tai, nhưng lại chỉ có một cái miệng. Việc chú ý lắng nghe người khác không chỉ hữu ích cho bạn, mà còn làm lợi cho công việc của bạn. Khi chú tâm tới những gì người khác nói, bạn sẽ có thể giúp đỡ họ tốt hơn.

Thức dậy sớm.

Dậy sớm lúc bình minh để vội vàng ra cửa đi làm khác với việc dậy sớm để có dư dả thời gian để suy nghĩ, xem xét mọi việc trước khi đi làm. Người giàu thường làm theo cách thứ hai. Thời gian chuẩn bị dư dả sẽ giúp chuẩn bị tâm lý cho bạn trước khi đối mặt với các thách thức. Dậy sớm là một công cụ hữu ích để thiền và suy nghĩ hằng ngày của người giàu.

Mỗi ngày gặp gỡ một người mới.

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng hầu hết mọi người đều sợ nói trước đám đông. Tuy nhiên người giàu đã vượt qua nỗi sợ hãi này bằng cách gặp gỡ, kết nối hoặc đơn giản là trò chuyện với người mới mỗi ngày. Thực hành thói quen này hằng ngày sẽ tạo cho bạn sự tự tin cần thiết để tiếp cận với các nhóm rộng hơn.

Lập danh sách những việc cần làm hằng ngày.

Theo một bài báo trên trang Business Insider, hơn 80% những người giàu lập danh sách những việc phải làm. Và người giàu không chỉ viết chi tiết những việc cần làm, mà còn làm theo danh sách đó. Để trở nên giàu có và duy trì được nó, bạn phải biết những điều cần làm và tập trung thực hiện chúng.

Theo An Nhiên (Đời sống & Pháp luật)

10 lối sống sẽ “giết chết” tương lai của bạn

Posted on Updated on

1. Thiếu mục tiêu

Mục tiêu chính là những định hướng, những kế hoạch mà bạn đã vạch ra cho chính bản thân của bạn. Nó được coi là kim chỉ nam để bạn phấn đấu, rèn luyện và cuối cùng là đạt được mục đích của mình. Tôi có một người bạn, người bạn này từ lúc tốt nghiệp ra trường đã gặp phải một khó khăn đó là không chinh phục được nhà tuyển dụng qua các cuộc phỏng vấn. Người bạn này học rất khá, có năng lực tuy nhiên một trong những lý do mà nhà tuyển dụng bỏ qua một ứng viên như vậy là vì người bạn này của tôi rất lúng túng và không dứt khoát khi được nhà tuyển dụng hỏi về những định hướng về nghề nghiệp trong tương lai. Sau khi tôi tìm hiểu thì quả thật là như vậy. Người bạn này của tôi chỉ có kiến thức sách vở mà thiếu đi những sự hiểu biết nhất định về những môi trường xung quanh chuyên môn mà cậu ấy đã được học. Từ đó cậu ấy thiếu những mục tiêu, mục đích cũng như sự phấn đấu để đạt được thành công trong sự nghiệp. Hơn ai hết chính các bạn là người quyết định tương lai của mình. Bởi vậy các bạn có muốn “bỏ mặc” chính các bạn hay không? Tất cả là ở bạn.

2. Thiếu động lực

Nếu mục tiêu là những định hướng mà bạn đã vạch ra, những gì bạn cần đạt được thì động lực chính là chất “xúc tác”, chất “kích thích” để bạn có đủ năng lượng để hoàn thành sứ mệnh cao cả đó. Bạn sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi và chán nản nếu bạn thiếu động lực khi thực hiện một công việc nào đó và nếu như vậy thì một điều tất yếu là kết quả bạn đạt được sẽ không bao giờ như ý bạn mong muốn. Một kết quả tuyệt vời sẽ chỉ đến với ai luôn làm việc bằng một nguồn năng lượng tràn trề và hứng khởi. Động lực có thể đến từ rất nhiều nguồn khác nhau. Đó có thể là từ sự nghèo khó của gia đình và bạn muốn vượt qua, bạn phải thành công để có thể giúp đỡ được gia đình. Hoặc đó cũng thể là từ chính người bạn của mình. Sự thành công của những người bạn của bạn sẽ là nguồn động lực để bạn phấn đấu và giành được sự thành công như họ.

3. Thiếu nhiệt huyết và đam mê

Một trong những sự bất hạnh của con người chúng ta đó là làm những gì mà chúng ta không hề thích thú và đam mê. Như bạn đã biết thì quỹ thời gian mà chúng ta dành cho công việc (công việc văn phòng chẳng hạn) là nhiều nhất trong một ngày. Nhiều hơn cả thời gian bạn nghỉ ngơi hay thời gian mà bạn dành cho gia đình của mình. Vì vậy mà làm những gì bạn không đam mê vô tình đã “giết chết” tâm hồn và con người của chính bạn. Nếu không đam mê với công việc bạn sẽ không dành hết mọi tâm huyết và sức lực vào công việc đó. Từ đó bạn sẽ khó mà thành công được trên con đường sự nghiệp của mình.

Ngược lại một người có khát khao, cháy bỏng với đam mê sẽ luôn tự tìm ra cho họ những lối đi riêng, sáng tạo trong công việc và đặc biệt họ luôn biết cách xoay sở để vượt qua những khó khăn mà công việc của họ mang lại.

4. Thiếu sự tự tin

Những bậc tiền nhân đi trước chúng ta đã nói: “Sự tự tin của chúng ta trước khi bắt đầu thực hiện một công việc gì đó đồng nghĩa với việc là chúng ta đã thành công được hơn 50 phần trăm rồi”. Câu nói đó thực sự là bài học để chúng ta phải nhìn vào. Qua thực tiễn chúng ta có thể nhận thấy rằng con đường thành công không có chổ cho những kẻ nhút nhát, thiếu tự tin. Bởi khi bạn thiếu tự tin thì trong đầu bạn sẽ luôn đầy ắp những suy nghĩ tiêu cực như: Tôi có làm được không? Tôi sợ thất bại? Tôi sợ… và cứ như thế. Khi sự sợ hãi trong bạn quá lớn thì điều đó sẽ chỉ làm bạn lùi xa hơn tới con đường vinh quang ở phía trước mà thôi.

Bạn có biết trong triết học của Mác và Lê nin đã chỉ ra rằng: Những điều mà bạn suy nghĩ trong đầu hay ý thức sẽ quyết định cách mà bạn tác động vào thực tiễn hay vật chất như thế nào. Và dĩ nhiên nó sẽ bao gồm cả kết quả tương ứng.

5. Tính bị động

Bị động hay nói cách khác là không chủ động thể hiện sự kém sáng tạo, thiếu thích nghi của chính con người đó. Họ luôn ở trong trạng thái chờ đợi, chờ được phân công  trong công việc mà không chịu chủ động tìm kiếm và giải quyết vấn đề để vấn đề được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Một trong những yếu tố để quyết sự thành bại trong sự nghiệp của mỗi người đó là cơ hội. Cơ hội là thứ mà khi đã qua đi thì không bao giờ quay lại được và chỉ những ai nắm bắt được cơ hội đó mới là người thành công. Tuy nhiên cơ hội không tự tìm đến mà chúng ta phải chủ động đi tìm. Còn bạn thì sao? Bạn sẽ chờ hay tự chủ động đi tìm? Tự bạn phải quyết định điều đó.

6. Thiếu sự học hỏi và rèn luyện

Tất cả chúng ta ai ai cũng phải thừa nhận rằng: Hơn 99 phần trăm nhân tài là do sự khổ luyện mà nên. Những vĩ nhân, những người thành đạt là những người đã luôn rèn luyện, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm trong suốt cuộc đời của họ. Họ phải hoàn thiện cả kiến thức lẫn kỉ năng cần thiết cho công việc hay sự nghiệp thăng tiến của họ. Không ai có thể nói rằng “Tôi đã đủ kiến thức”. Bởi kiến thức là vô bờ bến. Nó luôn luôn thay đổi và nếu chúng ta không cập nhật liên tục thì có nghĩa là chúng ta đang “lạc hậu” dần với chính cái môi trường mà chúng ta đang tồn tại.

7. Sự ỉ lại

Một trong những lối sống đáng xấu hổ của một bộ phận giới trẻ hiện nay là lối sống ỉ lại. Những người sống ỉ lại là những người lười biếng, thiếu mục tiêu và sống chủ yếu dựa dẫm vào gia đình. Với họ tương lai của họ sẽ phó mặc cho gia đình. Vứt bỏ những khát vọng hay hoài bão của tuổi trẻ và tất nhiên tương lai là thứ gì đó rất xa xỉ đối với họ.

8. Thiếu sự trung thực

Nếu bạn muốn được người khác tin tưởng, bạn muốn nhận được sự hỗ trợ hay hợp tác với nhiều người thì bạn trước hết phải là người trung thực, thực sự trung thực. Chỉ khi đức tính này là bản chất bên trong con người bạn thì bạn mới được tự tin rằng bên bạn luôn có ai đó sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành. Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải ai cũng làm được điều này. Phần lớn mối quan hệ tan vỡ là do không tin tưởng lẫn nhau. Và bạn thử nghĩ? Bạn có nhận được sự đề bạt từ cấp trên của bạn không nếu bạn không được họ tin tưởng?

9. Hay đối chiếu mình với người khác

Mỗi con người chúng ta khi sinh ra đã là một sự ban tặng. Chúng ta được ban quyền sống, quyền tự do, quyền được hạnh phúc. Và mỗi chúng ta là một giá trị khác nhau và duy nhất. Không ai giống ai. Do đó thật là ngu xuẩn nếu bạn luôn muốn mình phải giống một ai đó hay bạn là chiếc bóng của họ. Tại sao bạn không phải là bạn? Làm những gì bạn thích? Nỗ lực cống hiến bản thân cho xã hội bằng sự riêng biệt đó của bạn. Chỉ vậy thôi là bạn đã đáng được ngưỡng mộ rồi đó.

10. Quá coi trọng bản thân

Bản chất của con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội. Điều này phần nào đã nói lên rằng bạn nên đặt mình vào xã hội khi bạn giải quyết một vấn đề nào đó. Chỉ khi bạn dung hòa được hai yếu tố đó là cá nhân và xã hội bạn mới thực sự được đề cao trong xã hội. Lợi ích cá nhân phải được xem xét với lợi ích chung của xã hội và ngược lại. Đừng vì quá coi trọng bản thân mà đánh mất “con người” trong bạn. Bởi như vậy bạn khó mà tồn tại và phát triển được.